
Đối với những bậc làm cha làm mẹ lần đầu tiên, họ vô cùng lo lắng về lịch trình ăn ngủ của con mình từ khi mới chào đời. Từ tháng thứ 5 trở đi, các bé bắt đầu có những thói quen và sinh hoạt theo sự sắp xếp của bố mẹ. Vậy bé 5 tháng ngủ bao nhiêu là đủ? Làm thế nào để giúp con được ngủ sâu giấc? Đâu là lý do khiến các bé thường tỉnh dậy và bật khóc giữa đêm? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin trong việc chăm sóc bé yêu của bạn nhé.
Mục lục:
Bé 5 tháng ngủ bao nhiêu là đủ?
Đối với các bé từ dưới 1 tuổi, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển trí não, xương, chiều cao, cân nặng và khả năng nhận thức. Bé 5 tháng tuổi nên ngủ khoảng 12 – 15 tiếng mỗi ngày, bao gồm 10 – 11 tiếng ngủ vào ban đêm và 3 giấc ngủ kéo dài 30 phút – 2 tiếng mỗi giấc vào ban ngày.
Lịch ngủ của bé có thể thay đổi khá nhiều ở độ tuổi này tùy thuộc vào kiểu ngủ, giai đoạn phát triển, sở thích và tính cách của bé, nhưng nhìn chung bé 5 tháng tuổi nên ngủ 3 giấc một ngày và ngủ đủ 10 đến 11 tiếng vào ban đêm.

Bé 5 tháng ngủ không sâu giấc có sao không?
Điều mà bố mẹ luôn thắc mắc là liệu khi bé không ngủ đủ giấc có sao không? Như đã nói ở trên, chất lượng giấc ngủ của bé sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, não bộ đồng thời cả cân nặng và chiều cao. Rất nhiều trường hợp bé quấy khóc suốt đêm, không ngủ đủ giấc, dẫn đến tình trạng cân nặng chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Cho nên, bố mẹ cần quan tâm đến những dấu hiệu khiến con thiếu ngủ thường xuyên để từ đó tìm cách khắc phục cho con. Hãy để ý đến một số dấu hiệu như bé quấy khóc vào ban đêm, chú ý đến việc thay bỉm, hoặc bé có bị đói không, bé có bị mệt mỏi hay nóng sốt không,…
Bé 5 tháng tuổi nên đi ngủ khi nào?
Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ 5 tháng tuổi là từ 7 giờ đến 8 giờ tối. Hãy nhớ rằng, em bé của bạn sẽ cần 2,5-3 giờ để thức trước khi đi ngủ. Theo nhiều chuyên gia phân tích rằng những đứa trẻ đi ngủ sau khoảng 8 giờ tối có xu hướng bắt đầu đi ngủ sai lịch trình hơn khi chúng khó ngủ và thậm chí thức giấc nhiều hơn vào ban đêm hoặc thức dậy vào sáng sớm.
Lịch trình của mỗi em bé hơi khác nhau, với số lượng giấc ngủ ngắn nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào độ dài của giấc ngủ ngắn, khoảng thời gian thức giấc của chúng và khả năng thích nghi của trẻ. Dưới đây là lịch trình chung về cách một em bé có thể ngủ khi được 5 tháng mà bạn có thể tham khảo để luyện ngủ cho bé.
– 6h30: Thức dậy và ăn.
– 9h: Giấc ngủ trưa đầu tiên trong ngày.
– 10h30: Thức dậy, ăn và chơi.
– 12h30: Giấc ngủ trưa thứ hai.
– 2 giờ chiều: Thức dậy, ăn và chơi.
– 4:30 chiều: Giấc ngủ ngắn thứ ba trong ngày.
– 5:30 chiều: Thức dậy, ăn và chơi.
– 8 giờ tối: Đi ngủ qua đêm.
– 3h30: Dậy cho bú rồi lại ngủ đến sáng.
Tại sao bé 5 tháng ngủ không sâu giấc?
Bé 5 tháng tuổi ngủ không sâu giấc vào đêm có thể xuất phát từ nhiều những lý do khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường bắt gặp nhất:
Giấc ngủ trưa không đảm bảo
Nếu bé không ngủ vào ban đêm, hãy xem lại giấc ngủ ban ngày của chúng. Khi giờ ngủ trưa không nhất quá và ngủ quá nhiều, bé có thể không còn cảm thấy buồn ngủ vào ban đêm. Ngược lại, nếu bé không ngủ đủ giấc vào ban ngày, bé có thể bị mệt mỏi, quấy khóc vào ban đêm.
Môi trường xung quanh ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé 5 tháng tuổi
Từ 4 – 5 tháng tuổi, bé trở nên nhạy bén hơn với môi trường xung quanh. Bé dễ bị đánh thức bởi những thứ không đánh thức chúng trước đó, chẳng hạn như ánh sáng hoặc tiếng ồn.
Hơn nữa, tã bỉm bẩn cũng khiến bé khó chịu và làm bé trằn trọc suốt đêm, vì thế mẹ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ trước khi ngủ cho bé. Điều này sẽ giúp bé ngủ sâu hơn, thoải mái xoay chuyển người khi ngủ đồng thời hạn chế được tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ.
Bé đang bắt đầu mọc răng nên khó ngủ hơn
Những chiếc răng đầu tiên có thể mọc từ tháng thứ 5 trở đi, đây là lý do khiến trẻ thức giấc vào ban đêm do khó chịu. Mẹ có thể nhận biết bé mọc răng qua một số dấu hiệu như nước dãi chảy nhiều hơn, nổi mẩn đỏ trên mặt, thường xuyên nhai ngón tay và ga giường, gối của bé thường xuyên bị ướt.
Bé hoạt động nhiều trước khi ngủ
Khi bé chơi đùa quá phấn khích vào khoảng thời gian chuẩn bị đi ngủ sẽ khiến bé khó đi vào giấc ngủ và trằn trọc. Hoặc bé vẫn có thể ngủ bình thường nhưng trong đêm con sẽ khóc nhỏ và giật mình nhiều. Đôi khi bé còn sẽ bị gặp ác mộng làm cho giấc ngủ của con không được sâu.

Sức khỏe tác động đến giấc ngủ của bé
Một số vấn đề về sức khỏe cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé 5 tháng tuổi, chẳng hạn như: hội chứng ngưng thở, hội chứng chân không yên, sốt, ho,…
Mẹ nên quan sát bé nếu nhận thấy bé thường xuyên há miệng khi ngủ, ngáp nhiều lúc ban ngày, ngáy to,…thì nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Vì đây có thể là những dấu hiệu của hội chứng ngưng thở ở trẻ nhỏ, nếu để tình trạng này lâu dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của bé.
Ngoài ra, hội chứng chân không yên cũng gây nên tình trạng khó ngủ của trẻ, mẹ nên chú ý một số những biểu hiện sau: chân cảm giác như kiến bò, lắc lư hoặc tỉnh giấc giữa đêm.
Mẹo giúp mẹ cho bé 5 tháng ngủ sâu giấc
– Tìm hiểu các dấu hiệu sẵn sàng đi ngủ. Dụi mắt, quấy khóc, mút ngón tay cái và ngáp đều có thể báo hiệu rằng bé đã sẵn sàng đi ngủ. Những tín hiệu này có thể thay đổi từ bé này sang bé khác, vì vậy bạn càng chú ý đến các tín hiệu buồn ngủ cụ thể của con bạn, bạn càng có thể đưa bé đi ngủ nhanh hơn.
– Bắt đầu một thói quen. Một thói quen trước khi đi ngủ nhất quán bao gồm các bước như cho ăn, thay bỉm, đọc sách, nghe nhạc, hát ru, kể chuyện và tắm giúp bé có tâm trạng dễ chịu để đi ngủ. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng em bé của bạn ngủ đủ giấc vào ban ngày để bù đắp cho giấc ngủ bị mất vào ban đêm.

– Tạo không gian thân thiện xung quanh cho giấc ngủ của bé. Sử dụng phòng tối, có thể dùng rèm cản sáng, đảm bảo không gian hạn chế tiếng ồn, hoặc dùng âm thanh êm dịu và giữ nhiệt độ phòng ở nhiệt độ thích hợp để giúp bé ngủ ngon và sâu hơn.
– Đảm bảo bé không bị đói trước khi ngủ. Các chuyên gia khuyên rằng nên có thói quen ăn chính và ăn nhẹ để đảm bảo cho bé luôn no và vui vẻ. Có như vậy thì bé sẽ ngủ ngon giấc hơn và thích nghi được với thời gian ngủ mà mẹ sắp xếp.
Tạm kết
Vừa rồi là những thông tin xoay quanh chủ đề bé 5 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ. Mong rằng qua bài viết này, các mẹ sẽ có thêm kiến thức hữu ích trong việc nâng niu giấc ngủ của bé yêu. Vì giấc ngủ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo em bé được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, cho nên các mẹ hãy chú ý những biểu hiện bất thường về giấc ngủ của con nhé.